Nhiều đại học thi năng khiếu vào tháng 7
Nhiều trường đại học cùng tổ chức thi năng khiếu vào đầu tháng 7, sớm khoảng 10 ngày với năm ngoái để kịp xét tuyển theo lịch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đề án tuyển sinh công bố cuối tháng 3, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết áp dụng bốn phương thức, gồm xét học bạ, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thi năng khiếu kết hợp xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh tự do có thể dùng kết quả năm 2021, 2022 với điều kiện có điểm xét tuyển tối thiểu bằng điểm chuẩn của ngành đã đăng ký trong năm tương ứng.
Với xét học bạ, thí sinh phải đạt tổng điểm trung bình 5 kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển từ 18 trở lên, kỳ cuối không môn nào dưới 5.
Phương thức thi năng khiếu kết hợp xét điểm thi tốt nghiệp THPT áp dụng với ngành có tổ hợp có ký hiệu V, H. Thí sinh đăng ký tổ hợp V thi hai bài Vẽ mỹ thuật, mỗi bài tối đa 5 điểm. Điểm môn Vẽ mỹ thuật là tổng điểm hai bài thi này, còn điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn trong tổ hợp, trong đó môn năng khiếu nhân hệ số hai.
Với tổ hợp H, hai môn năng khiếu là Hình họa mỹ thuật và Bố cục trang trí màu, chấm theo thang điểm 10. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn trong tổ hợp, không nhân hệ số.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mở đăng ký thi năng khiếu từ ngày 25/4 đến hết 30/5, lệ phí 400-450.000 đồng, tùy môn. Thời gian thi năng khiếu từ ngày 1 đến 4/7, trong đó hai ngày đầu thi Vẽ mỹ thuật, còn lại thi Hình họa và Bố cục trang trí màu. Lịch thi cụ thể như sau:
TT | Tổ hợp xét tuyển/Ngành | Môn thi | Thời gian thi |
1 | Tổ hợp V00, V01, V02: - Kiển trúc - Chương trình tiên tiến ngành Kiến trúc - Quy hoạch vùng và đô thị - Thiết kế đồ thị - Kiến trúc cảnh quan |
Môn Vẽ mỹ thuật, gồm hai bài thi: - Vẽ mỹ thuật 1 Vẽ đầu tượng thạch cao trắng bằng chì đen trên khổ giấy A3 - Vẽ mỹ thuật 2 Bố cục tạo hình bằng chì đen trên khổ giấy A3 |
- 8h30-10h30 ngày 1/7: Làm thủ tục dự thi - Ngày 2/7: + Sáng: Thi môn Vẽ mỹ thuật 1; thời gian làm bài 210 phút + Chiều: Thi môn Vẽ mỹ thuật 2; thời gian làm bài 150 phút |
2 | Tổ hợp H00, H02: - Thiết kế đồ họa - Thiết kế nội thất - Thiết kế thời trang - Điêu khắc |
- Môn Hình họa mỹ thuật Vẽ người mẫu dạng bán thân bằng chì đen trên khổ giấy A1 - Môn Bố cục trang trí màu Bố cục trang trí bột màu trên khổ giấy A3 |
- 8h30-10h30 ngày 3/7: Làm thủ tục dự thi - Ngày 4/7: + Sáng: Thi môn Hình họa mỹ thuật; thời gian làm bài 240 phút + Chiều: Thi môn Bố cục trang trí màu; thời gian làm bài 240 phút |
Năm nay, chỉ tiêu cho 18 ngành và nhóm ngành của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là 2.280, tăng 100 so với năm ngoái. Trong đó, nhóm 1 gồm các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị lấy nhiều chỉ tiêu nhất - 500, kế đó là nhóm 3 gồm Thiết kế nội thất, Điêu khắc lấy 250. Đây đều là những ngành mũi nhọn của trường.
Về điểm chuẩn 2022, trong những ngành tính thang điểm 30, Công nghệ thông tin cao nhất với 24,75 điểm. Còn tại thang 40, Kiến trúc 29 điểm, Quy hoạch vùng và đô thị 27,6.
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng tổ chức thi năng khiếu vào đầu tháng 7. Cụ thể, thí sinh thi Bố cục màu vào chiều 8/7, sáng 9/7 thi Hình họa. Lệ phí xét tuyển là 600.000 đồng.
Năm nay, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tuyển 419 thí sinh cho 7 ngành, gồm Hội họa, Điêu khắc, Gốm, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất. Do cả 7 ngành đều xét tổ hợp có môn năng khiếu là H00 và H07 (Văn hoặc Toán kết hợp với hai môn năng khiếu), trường chỉ áp dụng phương thức kết hợp điểm thi năng khiếu với điểm học bạ môn Toán hoặc Văn trong năm học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12).
Để đăng ký xét tuyển, thí sinh phải đạt từ 5 điểm mỗi môn năng khiếu trở lên. Nếu thí sinh bằng điểm, trường sẽ ưu tiên người có tổng điểm năng khiếu cao hơn.
Điểm chuẩn 2022 của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp dao động 19,3-21,75, cao nhất là ngành Thiết kế đồ họa, thấp nhất là ngành Gốm.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có ba ngành Sáng tác văn học, Biểu diễn nghệ thuật, Tổ chức sự kiện, xét tổ hợp N00 (Văn; Thanh nhạc hoặc Múa; Thẩm âm, tiết tấu) và N05 (Văn, Thanh nhạc hoặc Múa hoặc Tiểu phẩm sân khấu, Xây dựng kịch bản sự kiện). Để đăng ký vào các ngành này, thí sinh phải thi năng khiếu vào 3-5/7, kết hợp với điểm học bạ THPT.
Trong đó, điểm học bạ là điểm trung bình môn Văn trong năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12), tối thiểu từ 5 trở lên. Điểm mỗi môn năng khiếu được tính theo thang 10, không nhân hệ số. Điểm xét tuyển là tổng ba môn trong tổ hợp và điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Nếu có giải trong các cuộc thi nghệ thuật, năng khiếu hoặc giải học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh, thí sinh được cộng 3-7 điểm ưu tiên, tùy vào thành tích. Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 25/4 đến 8/6, lệ phí 350.000 đồng.
Ngoài phương thức này, trường Đại học Văn hóa Hà Nội còn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ với tổng chỉ tiêu 1.550, bằng năm ngoái.
Điểm chuẩn năm 2022 của trường dao động 21,75-27,5. Trong đó, ngành Báo chí, Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành xét bằng tổ hợp C00 lấy điểm chuẩn cao nhất, còn Bảo tàng học thấp nhất.
Năm nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 10 đến 30/7, sớm hơn gần nửa tháng với năm ngoái. Trước đó, các trường đại học được xét tuyển sớm và thông báo kết quả muộn nhất vào 17h ngày 8/7 để thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ.