Cuộc vật lộn giữa mùa khô của thầy trò trên cao nguyên đá
HÀ GIANGThấy trời đổ mưa rào, Hiệu trưởng Lương Minh Hoạt tức tốc gọi điện vào trường Sà Phìn (Đồng Văn) nhắc thầy cô kiểm tra đường ống nước.
Nhưng cơn mưa đầu tiên sau 4 tháng tính từ Tết nguyên đán chỉ kéo dài 15 phút, đủ thấm đất cứu những vạt ngô mọc lên từ hốc đá tai mèo đang héo rũ vì khát. Mưa gột rửa bụi bặm trên mái trường Phổ thông bán trú Sà Phìn, theo máng dẫn chảy vào đường ống xuống bể chứa. Soi đáy bể, thầy giáo Hoạt (38 tuổi) thở dài khi nước chỉ dâng khoảng hai đốt ngón tay. "Đồng Văn giờ mà được trận mưa ba ngày, ba đêm mới mong nước đầy hồ và đủ dùng", thầy Hoạt ao ước.
Xã Sà Phìn rộng gần 1.600 ha, không có sông, suối, lạch nguồn, chỉ có đá mặt trăng phong hóa tạo nên những dãy đá xám mênh mông mang đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn. Khung cảnh hùng vĩ trong mắt du khách miền xuôi nhưng lại là nỗi khổ với đồng bào vì thiếu nước vào mùa khô, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau.
Toàn bộ nước sinh hoạt của gần 4.000 người Mông, hơn 600 thầy trò trường Sà Phìn trông chờ vào nước mưa tích trữ ở hồ chứa. Xã có ba hồ nằm cách trường bán trú từ một đến 4 km. Hồ gần trường 800 m đang cạn trơ, chỉ còn rong rêu ở đáy. Hồ xa nhất nằm ở thôn Lũng Hòa A, do một người dân hiến ruộng làm hồ và có quyền bán nước sinh hoạt cho dân. Hồ còn lại đã hỏng.
Thiếu nước sinh hoạt buộc các thầy cô phải làm những công việc ngoài chuyên môn. Có thời thầy cô giáo Sà Phìn sau giờ soạn giáo án chia thành các tốp đi trực nước ban đêm, canh cho bể đầy. Thấy nước ngừng chảy hoặc nhỏ giọt, 3-4 giáo viên lập tức lần ngược đường ống về phía hồ treo, tìm đoạn bị bung lệch hoặc do người dân đấu nối dẫn nước về nhà để nối lại.
Một đường ống sắt dẫn nước đi thẳng từ hồ về bể do huyện Đồng Văn đầu tư ba năm trước giúp thầy cô không còn phải đi canh nước ban đêm. Nhưng năm nay những cơn mưa đổ xuống cao nguyên đá thưa dần hoặc đến muộn sau Tết. Khi mặt nước cách lớp rêu hơn một gang tay, thầy Hoạt phải dùng máy bơm mini kích dẫn nước từ hồ chứa về trường. Cạnh đường ống lớn, người dân cắm chi chít ống nhựa nhằm tích trữ nước buộc nhà trường và nhà dân phải san sẻ.
Nước sinh hoạt, nấu ăn bán trú cho 442 học sinh trở thành áp lực lớn mỗi ngày. Nhà trường chỉ còn cách duy nhất là mua nước từ hồ thôn Lũng Hòa A cách 4 km. Giá mỗi xe bồn chở 3 m3 nước phụ thuộc vào quãng đường vận chuyển, bán cho công trình xây dựng 600.000 đồng, chở sang xã khác dao động 700.000-800.000 đồng. Riêng nhà trường được giảm một nửa, còn 350.000 đồng vì phụ huynh có con đang ăn bán trú tại đây.
Trong khoản chi thường xuyên cho giáo dục không có tiền mua nước, nhà trường chỉ có thể huy động nguồn xã hội hóa. Từ cuối tháng 10 năm trước, thầy Lương Minh Hoạt ngoài chuẩn bị báo cáo tổng kết học kỳ I luôn phải làm công việc không có trong chuyên môn - soạn hơn 10 công văn gửi khắp cơ quan, đoàn thể ở Sà Phìn xin kinh phí mua nước.
"Trường chi 1,4 triệu đồng; UBND xã cho 10 triệu; HĐND xã 1,2 triệu; các tổ chức đoàn thể 3,5 triệu; nhà Vương 7 triệu", thầy Hoạt liệt kê khoản huy động được trong tháng 4. Tổng cộng 23 triệu đồng giúp thầy trò cầm cự từ sau Tết đến hết tháng 4. Tháng 5, nếu trời chưa mưa trong khi nguồn tài trợ cạn kiệt, nhà trường sẽ vận động từ thầy cô và cán bộ xã.
"Mỗi người 100.000 đồng cũng được tầm 5 triệu, trụ được mười mấy ngày. Dù rất ngại nhưng bí quá đành chọn cách cuối cùng", thầy Hoạt cho biết.
3 m3 nước chia cho 442 học sinh bán trú trong ngày, mỗi em được một chậu nhỏ đánh răng, rửa mặt. Từng chậu nước rửa rau, vo gạo xong được tận dụng tưới cây, dội nhà vệ sinh. Học sinh nữ có thể thay đồ và rửa ráy thường xuyên. Riêng các nam sinh cách 2-3 ngày được bố mẹ chở về nhà tắm giặt xong đưa ra trường. Cuối tuần, thầy giáo thể dục người thị trấn lại đánh một chuyến xe bán tải, chở đầy quần áo của thầy cô về Đồng Văn giặt giũ. Giáo viên từ thị trấn về điểm chính hoặc lên điểm bản, bên hông xe luôn giắt theo hai can nước 40 lít.
"Cuộc sống thiếu nước trên cao nguyên đá mùa này chẳng khác ngoài đảo xa là mấy", thầy Hoạt ví von. Lần đầu tiên trong 4 năm soạn sẵn công văn gửi khắp nơi, năm nay thầy Hoạt gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn đề nghị chính quyền huyện cấp kinh phí mua nước.
Cách Sà Phìn 25 km, trường Phổ thông bán trú Vần Chải cũng gửi công văn tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện với nội dung tương tự. Vần Chải không có sông, không khe suối, không lạch nguồn và chỉ có thể trông chờ vào trời mưa. Ở gần hồ treo ngay trung tâm xã, thầy trò chưa năm nào phải mua hoặc xin kinh phí mua nước sinh hoạt. Nhưng năm nay, hồ treo cạn trơ đáy từ đầu tháng 4, trong khi bằng giờ mọi năm mới chỉ vơi một nửa.
Từ Yên Minh lên Đồng Văn dạy học 18 năm trước, thầy Đỗ Thành Trung ngoài chiếc balo đeo sau lưng, buộc bên hông xe hai can nước loại 20 lít mang lên điểm trường Sảng Tủng. Sau hai thập kỷ dạy học trên cao nguyên đá, thầy giáo giờ đây là Hiệu phó trường Phổ thông bán trú Vần Chải, mỗi ngày vẫn "chạy nước" lo từng bữa ăn bán trú cho gần 600 học sinh.
Mỗi xe bồn chở 6 m3 nước được bán 1,2 triệu đồng sau quãng đường 12 km từ thị trấn Yên Minh lên trung tâm xã Vần Chải. Bình quân, học sinh nơi này đang phải trả 200.000 đồng cho một khối nước sinh hoạt, đắt gấp hàng chục lần giá nước sạch Thủ đô.
Thầy Trung tính toán, mỗi ngày dùng hai xe nước mất 2,4 triệu đồng. Không có kinh phí, nhà trường phải làm công văn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo Đồng Văn đề xuất cấp mua nước sinh hoạt. Nếu trời không mưa và không có tiền, thầy lo lắng gần 600 học sinh bán trú có thể đứt bữa.
"Nhà trường cố cầm cự trong khả năng, nước mua về chỉ nấu ăn, không dám cho học sinh tắm giặt. Nếu ngừng ăn bán trú, học sinh về nhà sẽ đói, chỉ có mèn mén thay cơm trong mùa giáp hạt", thầy giáo đăm chiêu nói.
Chiều muộn, các nam sinh Vần Chải lũ lượt xách xô chậu mang quần áo đã giặt từ hồ treo về khu nội trú. Sau lưng, những thiếu phụ người Mông thôn Vần Chải A vẫn rạp người bên miệng giếng cạnh hồ treo cạn trơ đáy, gạn từng xô nước mang về.